Back to Top

CEO PHUC KHANG CORPORATION LƯU THỊ THANH MẪU HÀNH TRÌNH ĐI TÌM SỰ KHÁC BIỆT


“Ngược chiều” nhưng nhạy bén

Trò chuyện với Lưu Thị Thanh Mẫu giữa bộn bề công việc của những ngày cuối năm, vẫn thấy ở chị sự an nhiên, điềm tĩnh của người hiểu rõ con đường đi sắp tới của mình, của doanh nghiệp mình, bên cạnh tư duy nhạy bén với những quan điểm độc và lạ.

Từng tốt nghiệp hai trường đại học (ngành Luật và Đông phương học), nhưng Thanh Mẫu khẳng định: “Tôi chỉ có một nghề duy nhất là kinh doanh bất động sản”. Ngay từ năm thứ 3 đại học, Thanh Mẫu đã dấn thân vào con đường kinh doanh bất động sản. Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, chị đã nhanh chóng trưởng thành với nghề đã chọn.

Năm 2009, khi nền kinh tế bắt đầu “ngấm đòn” khủng hoảng, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đóng cửa, Thanh Mẫu lại cùng các đồng sự thành lập Phúc Khang. Thời điểm ấy, chỉ có các dự án căn hộ được cho là còn “cửa sáng”, nhưng Phúc Khang lại chọn phân khúc đất nền vùng ven để khởi đầu, với quan điểm 80% người Việt xuất thân từ nông dân.

“Thời điểm đó, việc Phúc Khang đầu tư vào phân khúc này bị nhiều người ví như đụng vào ‘xác chết’, bởi đây là phân khúc không ai làm và rất khó thành công”, Thanh Mẫu bộc bạch. Dũng cảm “đi ngược chiều”, chị đã hoạch định cho Phúc Khang một chiến lược kinh doanh bài bản và khác biệt.

Theo đó, Phúc Khang chọn hướng phát triển với mô hình đô thị sinh thái, chọn vị trí dự án với tiêu chí “bám” vào các khu vực có bán kính cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km trở lại, nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Về vấn đề tài chính, Thanh Mẫu phân tích, khi thị trường gặp khủng hoảng, doanh nghiệp phải tính đến phương án tích lũy và số đông, thay vì thu 100% giá trị bất động sản của 100 khách hàng, hãy thu 10% của 1.000 khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp vẫn đảm bảo doanh thu và khách hàng cũng dễ dàng tích lũy để sở hữu bất động sản.

Giải pháp của Phúc Khang lúc đó đã “đánh” đúng vào nhu cầu và tâm lý của khách hàng. Các dự án do Tập đoàn tham gia đầu tư như EcoSun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (TP.HCM) và đặc biệt hơn cả là Dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An, với quy mô hơn 65 ha, hơn 2.450 nền, dự kiến bán trong 18 tháng, nhưng chỉ sau 6 tháng đã hết hàng.


Khát vọng “nâng tầm”

Khá thành công với dòng sản phẩm khu đô thị vùng ven, đến năm 2015, Phúc Khang bất ngờ chuyển hướng đầu tư vào thị trường căn hộ. Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP.HCM của Phúc Khang là dự án tiên phong tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Mỹ (LEED). Nói về sự chuyển hướng này, Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ, chị muốn thực hiện khát vọng “nâng tầm” Phúc Khang, muốn làm ra các sản phẩm khó hơn, yêu cầu trình độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ cao hơn.

“Người Nhật đến Việt Nam mua căn hộ tiêu chuẩn Nhật thì bình thường, nhưng mua căn hộ tiêu chuẩn Mỹ mới là điều đáng nói. Điều đó giống như một món khai vị mới, kích thích để người ta phải ‘nếm’ sản phẩm. Tôi đang nghĩ đến việc thu hút Việt kiều tại Mỹ, châu Âu về Việt Nam mua căn hộ xanh chuẩn Mỹ của Phúc Khang”, Thanh Mẫu đầy tự hào khi nói về kế hoạch kinh doanh của mình. Chị tiết lộ, trong năm 2018, Phúc Khang sẽ xây dựng những căn nhà cho người Nhật theo tiêu chuẩn Mỹ tại TP.HCM.

Sự chuyển hướng của Phúc Khang không chỉ dừng lại ở câu chuyện “nâng tầm” mà sâu xa hơn còn thể hiện chữ “tâm” của doanh nghiệp trong đầu tư bất động sản. Với các giải pháp về giảm nhiệt, thông khí, tăng cường cây xanh, giảm CO2..., giải pháp về vitamin D cho trẻ để giảm bệnh tật cho thế hệ thứ 3..., những căn nhà theo tiêu chuẩn xanh của Phúc Khang được xây dựng với mục tiêu mang đến cho cư dân cuộc sống xanh ngay trong chính căn hộ của mình.

Sự tiên phong luôn đi kèm với khó khăn. Khó khăn lớn nhất của Phúc Khang khi chọn đầu tư căn hộ tiêu chuẩn xanh là sự hoài nghi của khách hàng về kinh nghiệm trong đầu tư căn hộ tiêu chuẩn xanh của Tập đoàn, hơn nữa, dòng sản phẩm này cũng chưa từng được đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Phúc Khang đã xóa tan những hoài nghi đó bằng chính những sản phẩm của mình. Đến thời điểm hiện tại, Dự án Diamond Lotus Riverside đã được hoàn thiện, 100% sản phẩm được khách hàng đón nhận.


Nỗ lực xúc tiến đầu tư

Những nỗ lực trong hành trình đi tìm sự khác biệt của Phúc Khang Corporation đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc. Cuối năm 2017, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản đã chính thức “bắt tay” cùng Phúc Khang thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ góp vốn Mitsubishi 49%, Phúc Khang 51%.

Trò chuyện với CEO Lưu Thị Thanh Mẫu:

Theo chị, doanh nhân trong giai đoạn hiện nay cần có những tố chất gì?

Chúng ta đang ở giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu về sáng tạo và đổi mới để hướng tới kinh tế tri thức. Điều này này đòi hỏi thế hệ doanh nhân mới như chúng tôi phải có cách nghĩ mới, cách làm mới, chuyên nghiệp, bài bản và khác biệt.

Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của chị?

Ba tôi. Ông là một nghệ nhân cây cảnh. Khi còn nhỏ, có lần, tôi theo Ba đến chăm sóc cây tại nhà của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Do phải đợi lâu nên tôi đòi về, Ba nói: “Làm đẹp cho đời đâu phải dễ, thú vui nào bằng thú cỏ cây”. Đó cũng là một trong những lý do những đô thị của Phúc Khang luôn có hồ và cây xanh…

Khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, TP.HCM. Sau đó, liên doanh này sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD, với tổng quy mô 20 ha trong khu vực trung tâm TP.HCM và 1.000 ha ở các vùng lân cận, có bán kính cách TP. HCM 20 - 30 km.


Nhắc lại “mối lương duyên” với Mitsubishi, Thanh Mẫu cho biết, đến bây giờ, chị vẫn xem đó như một giấc mơ, bởi chưa bao giờ nghĩ Phúc Khang có thể bắt tay với một đối tác lớn như vậy.

Thanh Mẫu kể, cuối năm 2014 - 2015, sau khi thành công với Dự án Làng Sen Việt Nam tại Long An, được biết Học viện Matsushita (Nhật Bản) tổ chức khóa học cho các doanh nhân nước ngoài, Lưu Thị Thanh Mẫu quyết định “khăn gói” sang Nhật.

“Khóa học đã dạy tôi rất nhiều, từ những việc tưởng chừng đơn giản như cách quét rác quanh Học viện, đến việc pha trà đạo, học kiếm đạo và những bài học về đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Những điều đó đã giúp tôi nhận thức rõ hơn về nước Nhật, về triết lý kinh doanh của người Nhật, về những giá trị đạo đức có sức mạnh trên cả những quy định của luật pháp…”, Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.

Sau đó, Lưu Thị Thanh Mẫu đã chủ động xúc tiến đầu tư bằng nhiều chuyến đi sang Nhật. Trong lần làm việc với Tập đoàn Mitsubishi, Thanh Mẫu đã tạo ấn tượng mạnh với phía đối tác bằng bài trình bày về khát vọng và chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, những triết lý kinh doanh của Thanh Mẫu có nhiều điểm tương đồng với Mitsubishi. “Sau bài trình bày, vị lãnh đạo cao cấp của Mitsubishi đã bắt tay tôi và nói, ông ấy rất ấn tượng về Phúc Khang”, Thanh Mẫu bồi hồi kể lại.


TĂNG TRIỂN