Miền ký ức #9
Bạn đang nghe chuyên mục Blog Xanh của Phúc Khang Corporation - Nhà phát triển CTX tiên phong tại Việt Nam. Kỳ này, kính mời Quý vị và các bạn lắng nghe câu chuyện: “MIỀN KÝ ỨC”.
Tôi rót cốc nước lọc, mở cửa sổ, bước ra ban công, tận hưởng chút gió trời từ phía bờ sông thổi ngang qua công viên xanh mát. Sự vội vã của một Sài Gòn thường nhật trở nên vắng lặng hơn bao giờ hết trong những ngày giãn cách xã hội. Từ trên ban công, nơi tôi đang đứng, sự bình yên càng đậm đặc hơn.
Thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, người ta nghiêm túc tuân thủ các khuyến cáo ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài. Đường phố vắng người lại qua, hàng quán, cửa tiệm không còn tấp nập người mua người bán. Xung quanh, nhiều căn hộ đã tắt đèn, Sài Gòn bước vào những ngày tĩnh lặng đến lạ thường. Trở lại với thói quen ngủ sớm trong không khí yên ả, bất giác làm tôi nhớ quê da diết. Giờ này, chắc Tía Má ở nhà đã chìm vào giấc ngủ. Ở quê là vậy, chiều 5h người ta bắt đầu dọn cơm tranh thủ ăn để tránh muỗi, đến tối 7h, nhà nhà đóng cửa, tắt đèn, ngủ sớm hơn ở thành phố rất nhiều.
Lên Sài Gòn hơn 10 năm, do tính chất công việc khá bận, tôi cũng chỉ về thăm nhà vào những dịp lễ, tết. Giờ một mình ngồi đây, gác lại những tất bật của công việc, cuộc sống, những cuộc vui, chuyện trò giao lưu, tôi mơ mình được đi chân trần trên con đường mòn nhỏ, cùng đám bạn đắm mình dưới dòng nước mát con sông quê. Chiều chiều, lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau thả vút cánh diều lên tận trời cao giữa cánh đồng vừa xong mùa gặt. Rồi mỗi sáng, Tía lại đèo tôi trên chiếc xe đạp cũ đến trường, tối đến được ngủ thiếp đi trong tiếng Má ru ngọt lịm, mơ mình trở thành chú cò trắng, vút cánh bay cao, bay xa, chiều tối lại theo đàn quay về tổ ấm. Quê tôi - vùng đất trù phú của đồng bằng Sông Cửu Long với những hàng dừa xanh bát ngát và những câu hò mênh mang bên dòng sông quê yên bình.
Miền ký ức trong tôi đẹp nhất, thơ mộng nhất có lẽ là con sông quê hữu tình, nằm uốn khúc theo dấu chân thời gian lững lờ trôi, được 2 hàng cây xanh mát bên bờ chở che. Dòng sông quê mang vẻ đẹp mơ màng, lặng lẽ, dài hun hút, trong veo và đầy sự thân thuộc.
Miền ký ức trong tôi còn có những ngọn tre rì rào nghe gió thổi vi vu, những ngọn dừa xào xạc soi rọi sợi nắng chiều xuyên qua tán lá, là mảnh vườn xanh ngát ngập tràn cây trái 4 mùa, bông bí bông cà đưa hương. Lũ nhóc chúng tôi với đầu trần, chân đất, những buổi trưa hè oi bức rủ nhau tụ tập dưới gốc mít, cây ổi sau vườn nhà chơi trốn tìm, cắt bẹ chuối chế tạo súng, cắt lá dừa làm chong chóng, đu tàu dừa qua mấy cái kênh nhỏ xanh trong. Hay những ngày mưa rả rích, chờ đêm xuống, chúng tôi lại đeo đèn, tay cầm vợt, giỏ đựng... lội khắp đồng soi ếch.
Miền ký ức trong tôi còn là những ngày nước nổi theo chân Tía, Chú Bác thả lưới, giăng câu. Mùa lũ về ghe nào cũng “trúng mánh”, có cá linh, cá lóc, cá trê, tôm, cua, lươn… Bao nhiêu nguồn lợi thủy sản được dòng sông nuôi dưỡng trở thành thu nhập chính của nhiều gia đình. Nhưng thích thú nhất với lũ trẻ là tối đến, trong lúc ngồi đợi thu lưới, các Chú, các Bác bỗng “nhập vai” thành những người kể chuyện chuyên nghiệp. Những câu chuyện kỳ bí về các loài “quái ngư” trên các dòng sông trở thành đề tài thú vị hơn bao giờ hết với đám nhóc tò mò chúng tôi. Rồi, nhớ cả những đêm rằm, không gian bát ngát ánh trăng vàng soi xuống con mương cạnh nhà, nước trong veo như màu trà nhạt. Tía ngồi nhâm nhi tách nước trà nóng, làm vài câu vọng cổ nghe ngọt sớt mùi mẫn đứt ruột, đứt gan, Má thì nằm võng cạnh bên khẽ đong đưa, lâu lâu cầm chiếc quạt mo đuổi muỗi để Tía ca vọng cổ cho nghe. Tôi và chị tôi lúc đó, mỗi đứa bê ngay 1 củ khoai Má luộc hồi chiều, giành nhau chiếc võng còn lại vừa ăn vừa nghe Tía ca vọng cổ “ta nói ngon bá chấy luôn”.
Miền Tây yên bình với những hồi ức trên dòng nước xanh trong lành sao mà da diết quá, khôn nguôi quá. Giờ nghĩ lại, nó như chạm hồn tôi bằng xúc cảm, gặm nhấm tâm tư tôi bằng hoài niệm, thiêu đốt trái tim tôi bằng ngọn lửa nhớ thương. Xúc động đến thế là vì giờ đây con sông yên bình ngày nào đầy rác thải, túi nhựa, vỏ chai, thậm chí xác động vật trôi dạt. Dòng sông trong veo êm đềm giờ oằn mình làm nơi chứa rác bất đắc dĩ. Rồi màu áo xanh mát, thơ mộng thuở nào hóa đục ngầu, thậm chí có chỗ đen xì, bốc mùi. Đi dọc một số con đường quê, không khó để bắt gặp vỏ bao phân hóa học, hộp thuốc trừ sâu nằm lăn lóc… Các loại phân thuốc hóa học còn thừa bị thải xuống kênh mương, theo con nước đổ ra những dòng sông lớn, làm chết cá, ảnh hưởng đến các loại thủy sản...
Xã hội phát triển, người ta cần cuộc sống tiện nghi, hiện đại, sạch sẽ hơn nhưng có nhiều người lại quay lưng với những điều thuộc về ký ức của bao thế hệ, sự sinh tồn của các loại sinh vật cũng như con người của hiện tại và tương lai. Những dòng sông trong xanh vốn dĩ là nơi cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, làm nhiệm vụ chở nặng phù sa chăm bón cho đồng ruộng, vườn cây tốt tươi, là ngôi nhà mát lành của các loại thủy sản… Vốn dĩ hình ảnh dòng sông quê gắn liền với vẻ đẹp uốn lượn, duyên dáng, là cảnh quan tuyệt đẹp cho các hoạt động du lịch sinh thái. Nhưng giờ đây, nhìn xem, con người đã đối xử với dòng sông xanh mát như thế nào. Đã rất lâu rồi, tôi và lũ bạn không dám tắm sông, hì hục thi nhau bơi qua bờ bên kia xem ai nhanh hơn… Không phải vì chúng tôi đã trưởng thành, không còn thích mấy trò chơi tắm sông nữa mà vì chúng tôi “không dám” xuống tắm, hay nói chính xác hơn là sợ. Sợ rác thải, sợ sự ô nhiễm mà chính con người đã tạo ra và trút xuống dòng sông, ép nó phải gồng gánh.
Tôi thở một hơi dài, trở về với thực tại, nơi Sài Gòn lặng lẽ, yên tĩnh lạ thường. Tôi cố suy nghĩ: Bằng cách nào để tuyên truyền cho nhiều người hiểu hơn về giá trị của những dòng sông quê yên bình, nên thơ và xanh mát; Làm thế nào để giúp nhiều người ý thức và biết trân trọng hơn dòng nước ngọt quý giá và trong lành, chung tay làm sạch, phục hồi và bảo vệ những dòng sông thân yêu.
----------------------------
Kính thưa quý vị, vừa rồi là chút hoài niệm của một người con lớn lên ở vùng quê thanh bình và miền ký ức về những dòng sông xanh trong lành. Không phải chỉ ở miền Tây như trong hoài niệm của nhân vật, hiện nay Việt Nam có nhiều dòng sông bị ô nhiễm đến báo động. Thực trạng: Sông, hồ "gồng mình" sống chung với rác thải không còn quá xa lạ trong các bản tin, hình ảnh cảnh báo về ô nhiễm. Có một thực tế đáng lo ngại là: Không ít người nghĩ rằng việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại cả một dòng sông rộng lớn và dài thênh thang. Một số người khác lại cho rằng bảo vệ môi trường là việc của những đơn vị có trách nhiệm, không liên quan gì đến mình… Chính thái độ vô trách nhiệm và tư tưởng đùn đẩy này đang từng ngày, từng giờ biến những dòng sông trong lành trở thành “sông chết” chứa đầy rác thải, biến những dòng nước ngọt quý giá trở nên cạn kiệt. Đã đến lúc, mỗi chúng ta cùng góp một tiếng nói vào việc bảo vệ những dòng sông trở lại trong lành và sạch đẹp.
Kỳ tiếp theo, Phuc Khang Corporation dành tặng Quý độc giả món quà đặc biệt - Talk show về những bước đi đầu tiên của Blog Xanh cùng với các diễn giả là lãnh đạo cấp cao của Phúc Khang. Kính mời Quý vị đón chờ kỳ sau để hiểu hơn về giá trị và hành trình của Blog Xanh nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại!