Chú tê giác thông minh #13
Bạn đang nghe chuyên mục Blog Xanh của Phúc Khang Corp - Nhà phát triển CTX tiên phong tại Việt Nam. Kỳ này, kính mời Quý vị và các bạn lắng nghe câu chuyện: “CHÚ TÊ GIÁC THÔNG MINH”.
Xin chào, tôi là một con tê giác nhỏ sống cùng mẹ trong rừng xanh sâu thẳm. Ngày tôi sắp chào đời cũng là ngày cha tôi vĩnh viễn ra đi theo chiếc sừng bị cưa mất.
Mẹ tôi kể lại: “Đêm đó, cha con ra ngoài tìm ít thức ăn. Nhưng mẹ đợi mãi mà cha không quay về. Sau đó, các cô chú cho hay, một nhóm người lạ đã đến rừng xanh thân yêu của chúng ta, họ mang theo những mũi tên dài và sắc nhọn có tẩm thuốc mê. Nhân lúc cha con không chú ý, họ giương tên bắn một phát, cha con khuỵu xuống, cả thân người cao lớn từ từ tê liệt nằm lặng lẽ trên nền đất lạnh. Họ đã sát hại cha con để lấy đi chiếc sừng của ông ấy. Những kẻ tham lam, tàn độc đó đã dùng mọi cách sẵn sàng tước đoạt mạng sống của chúng ta để chiếm lấy thứ họ cho là “thần dược” giá cao”.
Từ đó về sau, mẹ luôn giữ tôi bên mình, đi ăn, đi tắm bùn tôi cũng chỉ lẽo đẽo theo sau mẹ. Hôm đó, nhân lúc mẹ không để ý, một mình tôi đã chạy vèo ra vũng nước, hì hục ngụp lặn. Loài tê giác chúng tôi đặc biệt thích ngâm mình trong nước hoặc những vùng sình lầy. Cảm giác những lớp bùn tự nhiên được đắp lên người dễ chịu làm sao. Lớp bùn của Mẹ thiên nhiên giúp tôi có một làn da khỏe mạnh, tránh khỏi sức nóng Mặt Trời và một số bệnh ngoài da.
Tắm xong, tôi tung tăng đi về, vừa đi vừa nghĩ cách năn nỉ mẹ. Bỗng tôi nghe một tiếng “rầm” từ phía rừng bên kia, mấy chú chim bay tán loạn. Nấp sau một bụi cây lớn, tôi nghe tiếng bác voi rống lên đầy đau đớn rồi tắt lịm. Một dự cảm chẳng lành, tôi định “ba chân, bốn cẳng” cuống cuồng chạy. Nhưng nghĩ lại thấy không ổn, giờ tôi động đậy có thể sẽ không còn đường về nghe mẹ mắng. Tôi nép sau bụi rậm lớn, im lặng quan sát. Đám người đó hình như đã lấy được thứ họ cần nhưng chưa vội rời đi. Họ tiếp tục săn lùng gì đó. Tôi hồi hộp khi thấy họ đang đi về phía tôi. Vừa run sợ, tôi vừa nghĩ thầm không biết tôi có trở thành nạn nhân tiếp theo dưới mũi súng lạnh lùng của họ không? Cảm giác lúc đó sẽ thế nào? Có đau lắm không? Nếu tôi có chuyện gì, ai sẽ báo tin dữ cho mẹ biết?... Hàng ngàn câu hỏi quẩn quanh trong đầu tôi. Càng lúc càng nhiều trong khi khoảng cách giữa họ và tôi càng gần. Bỗng từ xa, một nhóm người mặc đồ giống nhau xuất hiện làm cho đám người đang dí đến gần tôi giật mình, vội vã rút lui. Tôi bị một phen hú vía!
Trời cũng sập tối, tôi theo lối nhỏ tìm đường về nhà. Vừa đi, tôi vừa hỏi thăm chuyện. Cô hươu thở dốc kể lại: “Có đám người lạ vào rừng, họ canh me mấy ngày rồi. Hôm nay, nhân lúc bác voi đang đi tắm nắng, họ dùng súng bắn hạ. Tất cả các loài động vật thấy bác voi to lớn cũng bị ngã xuống nên chạy tán loạn. Đám người đó bu quanh thi thể bác voi và nhanh chóng lấy đi 2 chiếc ngà của bác. May mắn có mấy người trong đội bảo vệ rừng xuất hiện, không thì chúng ta cũng tiêu đời rồi”.
Tôi nghĩ đến mẹ, không biết mẹ thế nào? Cầu mong mẹ bình an! Tôi lao đầu chạy, thật may mắn đã về đến nhà. Hoàn toàn khác với dự đoán, hôm nay mẹ không hề tức giận, mắt mẹ rưng rưng, mẹ ôm tôi vào lòng, hơi ấm từ vòng tay của mẹ làm tôi thấy thật yên bình. Cảm giác tất cả mọi “bão tố” tôi vừa trải qua chỉ như một cơn ác mộng. Giờ mẹ có trách phạt hay đánh đòn tôi cũng không hề hấn gì. Dù thế nào nó cũng không đáng sợ bằng cảm giác bị ăn một phát súng như bác voi hoặc một mũi tên tẩm thuốc mê như cha tôi, càng không kinh khủng bằng cảm giác bị cưa lấy chiếc sừng nhỏ bé.
Trong đêm yên tĩnh, tôi thầm nghĩ: Giá mà Mẹ thiên nhiên sinh ra loài tê giác chúng tôi không có sừng thì tốt biết mấy. Nếu vậy, chúng tôi sẽ được an toàn. Ba tôi cũng sẽ không vì thế mà giã từ cõi đời. Tôi và mẹ cũng không phải thấp thỏm lo âu. Nhưng, suy cho cùng, sự tận diệt này cũng không thể vì Mẹ thiên nhiên lấy lại chiếc sừng của chúng tôi mà kết thúc. Vấn đề vẫn nằm ở sự tham lam và tàn độc của một số kẻ xấu. Bác voi đâu có sừng cũng bị bắn hạ và lấy ngà. Ông cọp hung hăng vừa không có sừng, lại chẳng có ngà cũng bị giết lấy da, lấy xương… Chung quy, vấn đề vẫn chỉ nằm ở lòng tham vô đáy. Mẹ thiên nhiên sinh ra tất cả các loại vật bình đẳng. Tê giác được phân phát cho chiếc sừng gắn liền với sự sống. Con người may mắn được ban tặng trí khôn cùng sự thông minh. Và rồi, con người lại dùng sự thông minh đó để tàn sát các loài vật khác. Nhưng hình như không phải con người nào cũng xấu như lời mẹ kể. Nếu không nhờ những người bảo vệ rừng, có lẽ giờ tôi cũng đã trải thân mình trên nền đất lạnh. Giá mà, ai cũng tốt như thế thì hay biết mấy. Giá mà con người và động vật có thể cùng một ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ nói cho họ biết sự căm giận, ghê sợ của chúng tôi dành cho họ lớn thế nào. Nhưng chúng tôi cũng biết ơn rất nhiều những người đã cứu mạng và đang ra sức bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi cũng khát khao được chung sống hòa bình với họ ra sao?
===============
Kính thưa Quý vị và các bạn, vừa rồi là câu chuyện ngắn cùng vài lời cảm thán của chú tê giác nhỏ khi thấy khu rừng xanh bị xâm phạm và các loài động vật trong tự nhiên bị đe dọa. Theo Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới: Hiện nay, loài tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng, số lượng cá thể đang bị thu hẹp trên phạm vi toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính khiến loài động vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là tình trạng săn bắt lấy sừng tê giác. Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia, tổ chức phi lợi nhuận và các cá nhân đang nỗ lực chung tay bảo vệ tê giác cùng các loài động vật hoang dã. Đã có nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra như: Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường hệ thống pháp luật ở các quốc gia; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên báo đài về quan niệm sai lầm khi dùng các bộ phận của động vật hoang dã trong đó có sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh; Các hoạt động ủng hộ Ngày động vật hoang dã bằng các giải chạy marathon truyền cảm hứng, cuộc thi ảnh sáng tạo, chung tay xây dựng tái tạo hệ sinh thái trong các khu bảo tồn…
Câu chuyện khép lại trong sự băn khoăn của chú tê giác cũng là những gì Ban biên tập Blog Xanh trăn trở. Cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người trong chúng ta có một sự thay đổi mới trong cách ứng xử, đặc biệt với các loại động vật hoang dã. Điều thiết yếu nhất mỗi chúng ta có thể làm hiện nay là góp một tiếng nói lên án hành vi tiêu thụ, tích trữ sừng tê giác cũng như các loài động vật hoang dã khác cho bất kỳ mục đích phi pháp nào… Chúng không “thần dược”, bất kỳ hành vi mua bán, tích trữ đều đang tiếp tay cho tội ác. Song song đó, chúng ta có thể chia sẻ cho nhau biết về sự cần thiết của việc bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên, góp phần duy trì một hệ sinh thái bền vững, một cuộc sống yên bình. Nhà phát triển CTX tiên phong Phuc Khang Corp cũng đang là một 1 tổ chức tiên phong và nỗ lực để bảo vệ thiên nhiên, môi trường, sức khỏe và văn hóa truyền thống.
Quý vị và các bạn thân mến, Quý vị và các bạn có hay đi chợ chọn mua các loại cây xanh về trồng trong nhà, sân vườn không? Có khi nào Quý vị nghĩ rằng cây xanh cũng đang cố khoe ra sự nổi bật của mình để giành lấy cơ hội được lựa chọn, được điểm tô cho không gian của gia chủ thêm xanh mát không? Kỳ tiếp theo, Ban biên tập Blog Xanh kính mời Quý vị và các bạn thưởng thức câu chuyện về cuộc chạy đua của các loài cây xanh. Kính mời Quý vị các các bạn đón chờ kỳ sau!
Xin chào và hẹn gặp lại!