Gấu bông không cô độc #3
Bạn đang nghe chuyên mục: “Nghìn lẻ một điều xanh” của Phúc Khang. Kỳ này, [Mộng Tường] kính mời quý vị và các bạn lắng nghe câu chuyện: “GẤU BÔNG KHÔNG CÔ ĐỘC”
Tôi là một chú gấu bông nhỏ nằm bên vệ đường, lẫn trong đống rác chẳng ai cần đến.
Tôi cũng từng được trưng bày trong tủ kính lộng lẫy, tôi cũng từng được nhiều người ngắm nghía trầm trồ. Tôi cũng từng rất kiêu kỳ khi bạn bè nhìn vào bảng giá mà bà chủ đeo trước ngực của tôi, giá của tôi gấp mấy lần các bạn ấy. Tôi cũng từng được gói cẩn thận trong một chiếc hộp xinh đẹp làm quà tặng cho một ai đó. Tôi cũng từng được chào đón nhiệt tình, bằng một nụ cười ngọt ngào khi lần đầu diện kiến chủ nhân mới. Tôi cũng từng có một vị trí ngay ngắn trong phòng cô chủ xinh đẹp.
Tôi cảm thấy vinh hạnh của mình như được nâng lên bội phần khi tôi là một trong những cột mốc đánh dấu tình yêu của cô chủ và bạn trai - người tặng tôi cho cô chủ.
Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc của cô chủ mỗi khi trông thấy tôi, ánh mắt ngọt ngào, pha chút vui tươi, khẽ thì thầm với tôi rằng hôm nay 2 người đi đâu ở chơi, anh ấy mua quà gì tặng cô ấy. Dù cho số lượng quà tặng anh gửi đến cô nhiều theo năm tháng nhưng tôi vẫn có một vị trí nhất định vì tôi là phần quà đầu tiên.
Nhưng cuộc đời đâu mãi yên bình. Dịch bệnh bùng lên, anh kẹt lại ở nơi xa, cô chủ mỗi ngày trông ngóng. Khoảng cách dần trở thành lý do để người ta có những hoài nghi. Cô chủ bắt đầu dùng những ánh mắt trầm buồn khi kể cho tôi nghe về anh ấy. Và rồi chuyện gì tới cũng tới.
Một hôm, tôi thấy cô đưa một bà dì vào phòng! “Chắc là cô bận quá không có thời gian dọn dẹp nên nhờ người đến dọn! Đúng có lẽ vậy!” - tôi tự nghĩ. Đúng là thế, bà dì dọn dẹp rất gọn gàng và sạch sẽ. Cô chủ chỉ ngồi đó nhìn bà ấy dọn dẹp mà không nói gì, dọn xong thì thanh toán tiền công cho bà dì.
Bà dì đi, căn phòng cô chủ bổng trống trải lạ thường. Bởi vì bà ấy mang theo tất cả những vật kỷ niệm của anh và cô, kể cả tôi. Bà ấy bỏ tôi vào một cái túi đen, nháo nhào với tất cả những đồ dùng khác. Rồi mọi thứ tối đen, điều tôi nhìn thấy cuối cùng tại ngôi nhà thân yêu chính là hình ảnh cô chủ gương mặt trầm buồn ngồi lạnh lùng giữa căn phòng trống trải. Khác hẳn với hình ảnh vui vẻ, dịu dàng của ngày đầu.
Rồi một tiếng bịch. Tôi bị thả rơi tự do từ trên cao xuống. Không biết tôi đang ở đâu, chờ thật lâu, xung quanh toàn màu đen. Rồi chúng tôi lại được nhấc lên, lần này là quay vòng vòng rồi lại rơi vào một nơi nào đó tôi cảm nhận không phải mặt đường cứng nhám như chỗ lúc nãy. Rồi có tiếng xe chạy, chúng tôi lắc lư rồi dừng lại, tôi cảm thấy cơ thể mình nặng trĩu, liên tục có thứ gì đó từ trên trời rơi thẳng đè chồng chất lên chúng tôi.
Một hồi sau chúng tôi lại quay vòng vòng rơi xuống, cái bịch đen buộc chúng tôi bị bung ra, tôi ngơ ngác nhìn đống ngổn ngang xung quanh, mùi rác, mùi hôi thối sọc thẳng vào mũi tôi. Tôi đang ở giữa một đống rác thải!
Tôi từng là một chú gấu bông có giá nhất trong cửa hàng, tôi từng được nhiều người nhìn ngắm chăm chú, tôi từng được nâng niu, được đón nhận nhiệt tình… Ấy vậy mà giờ đây, tôi chỉ là một thứ bỏ đi, cùng với trăm ngàn rác thải khác chai nhựa, bịch ni lông, rau cải, thức ăn thừa ôi thiu, khăn giấy thậm chí là tất cả những phế phẩm khác…
Sốc! Thực sự sốc! Coi như cuộc đời tôi đến đây là kết thúc! Tôi cũng chỉ là một món đồ, không cần đến thì người ta vứt đi thôi. Tôi tự an ủi mình, chí ít mình cũng từng có một thời huy hoàng, cũng từng có những kỷ niệm đẹp. Có lẽ tôi nên chìm đắm trong quá khứ đã qua để quên đi cái hiện thực đen đủi, hôi hám và dơ bẩn này.
Hôm sau, một nhóm vài đứa trẻ đến bãi ra lục lọi, đứa thì chai nhựa, đứa thì lon bia, đứa thì thùng giấy… Trong lúc tôi đang mệt mỏi nhìn lũ trẻ mưu sinh cơ cực, có lẽ chúng cũng chả buồn quan tâm gì đến tôi. Điều chúng cần là thứ gì có thể mang lại miếng cơm manh áo, còn tôi - một con gấu bông cũ kĩ, hôi hám và dơ bẩn làm gì có thể giúp chúng no bụng.
Trong lúc tôi đang bâng vơ, một bàn tay nhấc bổng tôi lên. Đó là một cô bé da hơi ngăm nhưng đôi mắt tròn và rất sáng. Cô bé bảo: “Anh 2 con gấu này đẹp quá, em mang nó về nha!”. Thế là tôi được cứu vớt cùng với đóng chai nhựa theo chân cô bé và bọn trẻ về nhà. Cô bé mang tôi ra giặt giũ thật sạch, phơi dưới nắng cho thật khô. Cô bé cho tôi ngủ cùng, tối nào cũng ôm tôi trong lòng học bài rồi chìm vào giấc ngủ. Lần đầu tiên tôi có lại cảm giác được nâng niu như một người bạn thật sự. Cô bé kể tôi nghe chuyện ở lớp, chuyện đến trường… Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưngcô chủ nhỏ của tôi học rất giỏi, giấy khen chất thành chồng làm tôi cũng thấy tự hào. Chúng tôi gắn bó với nhau mấy năm trời đến khi cô vào đại học. Cứ ngỡ, lại một lần nữa tôi lại phải xa người chủ thân yêu, nhưng không, cô ấy thu xếp cho tôi một vị trí trong balo mang theo. Tôi lại được dịp theo cô chủ đến ký túc xá mới. Thời gian thấm thoát, tôi cũng không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi rồi, chỉ biết cô chủ thân yêu và tài giỏi của tôi giờ đã ra trường và đi làm.
Nhưng cuộc sống cơ cực lúc nhỏ tập cho cô rất nhiều đức tính tốt đẹp và lối cư xử vô cùng lịch sự. Cô luôn phân chia rõ ràng từng loại rác: Như chai nhựa thì để riêng, lon nước ngọt để riêng, thức ăn, rau củ để riêng, đồ dùng cũ cần thanh lý để riêng... Cô bảo như thế rất tiện lợi cho người dọn vệ sinh cũng như những người cơ cực kiếm sống từ những đống phế thải.
Đúng, tôi cảm thấy cuộc đời tôi rất may mắn, dù là một món quà được tặng hay một vật được nhặt lại gói ghém và nâng niu, tôi đều làm hết trách nhiệm của mình, ở cạnh, gắn bó và nhân chứng cho những giá trị tốt đẹp. Tôi không buồn vì mình từng bị vứt đi, tôi cũng không buồn vì mình sinh ra là một món đồ nhỏ bé giữa cuộc đời. Tôi chỉ buồn cho những người bạn của tôi không được may mắn như thế. Họ không may rơi vào tay những người chủ thiếu tình yêu thương, họ bị sứt đầu mẻ trán, bị ném vương vãi ở nhà kho, dưới gầm giường, bên vệ đường, khép lại cuộc đời của những đồ vật trang trí, quà tặng lưu niệm trong sự xấu xí, rã rời tay chân…
----------------------------
Kính thưa quý khán thính giả, vừa rồi là câu chuyện “Gấu bông không cô độc”, Phúc Khang mong muốn mượn tâm sự của một vật dụng bình thường để nói lên tâm trạng của những món đồ chúng ta dùng hàng ngày. Dù là đồ cần dùng đến hay cần “thanh lý” bạn cũng nên thể hiện cách cư xử xanh và văn minh. Phân loại các vật phẩm đã qua sử dụng và vật phẩm cần thanh lý có thể tái sử dụng cũng là một cách thể hiện lối cư xử văn minh của bạn cũng như xu hướng sống xanh và bền vững đấy!
Kỳ tiếp theo, chuyên mục “Nghìn lẻ một điều xanh” sẽ kể cho quý vị và các bạn nghe câu chuyện về chiếc máy lọc nước từ một người con hiếu thảo. Món quà đầu tiên bạn tặng ba mẹ bạn là gì? Nó có đặc biệt giống như cô gái trong câu chuyện kỳ sau không? Đón nghe nhé!