Hãy cho chúng tôi ở đúng chỗ #12
Bạn đang nghe chuyên mục Blog Xanh của Phúc
Khang Corporation - Nhà phát triển CTX tiên phong tại Việt Nam. Kỳ này, kính
mời Quý vị và các bạn lắng nghe câu chuyện: “HÃY CHO
CHÚNG TÔI Ở ĐÚNG CHỖ”.
Bạn thân mến,
Chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ trước khi viết lá thư này cho
bạn. Trước tiên, chúng tôi chân thành cảm ơn vì bạn đã tạo ra chúng tôi với rất
nhiều giá trị, hình dáng và màu sắc khác nhau. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và vô
cùng hạnh phúc khi mình được sinh ra, được nâng niu trên tay và được “cống
hiến” vì bạn.
Chúng tôi được tạo ra từ những lò sản xuất thủ công hoặc
những nhà máy đồ sộ hàng nghìn mét vuông. Lúc mới ra đời, chúng tôi xinh đẹp,
mỏng manh và đủ sắc màu như những cánh hoa dịu dàng, e ấp. Nào là hồng đậm,
hồng nhạt, vàng, trắng, xanh và cả đen… Ngay từ khi vừa sinh ra, chúng tôi được
“hộ tống” trên các phương tiện từ hàng không, tàu biển, xe tải, xe máy… đi đến
khắp miền gần xa. Chúng tôi được tung tẩy trên tay cô nội trợ về nhà, chúng tôi
hí hửng được “làm việc” ở những quầy hàng, tiệm tạp hóa từ sang trọng đến bình
dân. Chúng tôi khép nép trong vòng tay ấm áp của chị bán hàng đến cô gái xinh
đẹp đang đi mua sắm. Chúng tôi có mặt trong các siêu thị, tiệm tạp hóa đến
những hàng quán lề đường, chợ trời và cả trong nhà riêng. Nói chung, chúng tôi
xuất hiện khắp mọi miền, từ những “nơi đồng xanh thơm hương lúa” đến những “nơi
nhà cao xe giăng phố”...
Sở dĩ, chúng tôi được “yêu thích” như vậy là vì chúng tôi
vừa mỏng nhẹ, mềm mại lại vừa dẻo dai và co giãn tốt. Chúng tôi “thách thức” cả
nắng/mưa với khả năng chống thấm nước, chống ẩm và chịu lực khá tốt. Đây vừa là
ưu điểm để chúng tôi tự hào vừa là lý do để nhiều người chán ghét và muốn bài
xích chúng tôi.
“Khua môi, múa mép nãy giờ cũng kha khá rồi! Có lẽ quý vị và
các bạn có thể đoán được chúng tôi là ai. Xin tự giới thiệu: Chúng tôi là những
chiếc túi ni lông”!
Chính
vì sinh ra với nhiều đặc tính vượt trội như thế, mà từ khi ra đời cho đến nay
chúng tôi gần như có mặt khắp mọi nơi, đóng góp một vai trò nhất định cho đời
sống sinh hoạt và sản xuất. Chúng tôi được dùng để đóng gói sản phẩm, bảo quản
hàng hóa, chứa vật thí nghiệm, gói hàng dễ vỡ, bao bọc trái cây ngăn ngừa sâu
bệnh, nấm độc… Đặc biệt, chúng tôi được dùng để chứa đựng tất cả mọi thứ từ ướt
đến khô như: mớ rau, con cá, trái cây, cái chăn, chiếc nón, bộ quần áo, và thậm
chí cả rác thải… Nói chung những gì cần đến “chứa đựng” con người sẽ nghĩ ngay
đến chúng tôi. Và còn rất, rất nhiều những hoạt động khác đều cần có sự tham
gia của chúng tôi - những chiếc bọc ni lông nhỏ bé. Có đôi lúc chúng tôi trộm
nghĩ: “Nếu như một ngày nào đó, không có chúng tôi con người sẽ cuống cuồng
lên cho mà xem!!!”.
Nhưng,
đó cũng chỉ là chút tự cao thoáng qua của mấy cái bọc ni lông nhỏ bé khi
thấy mình được sử dụng quá nhiều mà thôi. Cuộc đời mà, có lúc thăng thì cũng sẽ
có khi trầm! Dù chúng tôi có được dùng vào nhiều mục đích khác nhau như thế nào
đi nữa thì cuối cùng chúng tôi cũng sẽ là những thứ bị vứt đi. Có thể, qua một
lần sử dụng hoặc nhiều người tiết kiệm lắm cũng chỉ 2 – 3 lần là cùng, chúng
tôi cũng sẽ hết giá trị! Khi sinh ra, chúng tôi được đưa đi khắp mọi nơi để
phục vụ con người thì khi hết tác dụng, chúng tôi lắm lúc cũng bị quăng bỏ một
cách lung tung khắp đường làng, ngõ phố.
Chúng
tôi nằm lăn lóc ở vỉa hè; đìu hiu dưới bóng cây xanh mà nhiều người hay ngồi
nghỉ mát; ngả nghiêng cạnh ghế đá ngoài công viên xanh tươi. Hay chúng tôi cũng
có thể được rải đầy ở sân vận động sau mỗi trận thi đấu; bị bỏ lại ngổn ngang
sau buổi họp chợ. Và buồn nhất là chúng tôi bị vứt lềnh bềnh trên những dòng
sông, kênh rạch, bất đắc dĩ theo con nước đổ ra biển cả, xuôi dòng chảy lọt vào
bụng cá và các loài sinh vật dưới nước.
Bởi vì lúc đầu khi chế tạo ra chúng tôi,
con người nghĩ đến những tính năng như sự tiện dụng, tính linh hoạt, độ bền,
chắc… để có thể phục vụ đa dạng mọi yêu cầu, mong muốn của con người. Nhưng
điều này cũng như con dao 2 lưỡi. Chúng tôi bền chắc để mang đến nhiều lợi ích
cho con người thì song song đó, cùng với thời gian chúng tôi cũng sẽ tồn tại
rất lâu trên Trái Đất này. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nếu không bị
tác động của ánh sáng Mặt Trời thì một chiếc túi ni lông như chúng tôi sẽ phải mất hàng chục thậm chí cả trăm năm hơn mới phân
hủy được (tức là có thể lên đến cả thế kỷ đấy!). Nếu hôm nay bạn vứt chúng tôi
ở đâu đó trên Trái Đất này, sau bao thăng trầm, chúng tôi vẫn sẽ “chứng kiến”
được sự ra đời và lớn lên ở những thế hệ con cháu tiếp theo của bạn. Đó cũng là
lý do vì sao chúng tôi vừa tự hào vừa thất vọng, cũng chính vì đặc tính này mà
con người chán ghét, xa lánh thậm chí “lên án” chúng tôi.
Họ
trách chúng tôi làm ảnh hưởng đến môi trường, gây hại cho sức khỏe con người,
họ than phiền vì chúng tôi làm hại hệ sinh thái động – thực vật. Họ nói chúng
tôi làm tắc nghẽn đường ống, gây ngập úng ở các đô thị vào mùa mưa. Họ bảo chúng
tôi gây cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật, dẫn đến tình trạng
xói mòn và sạt lở đất, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Họ cho rằng thành phần tạo
ra chúng tôi có thể ngấm vào thức ăn gây suy gan, ung thư não, ung thư phổi cho
con người. Và họ còn nói rằng sự tồn tại của chúng tôi trong môi trường sẽ
khiến cho rất nhiều động vật tưởng nhầm là thức ăn, rồi chúng tôi nằm tích tụ
lâu dài trong dạ dày mà không thể tiêu hóa được, gây ra cái chết cho rất nhiều
sinh vật biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.
Nhưng,
nhưng và nhưng…
Tạo
ra chúng tôi với những thành phần độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người
và các loại sinh vật là ai? Có phải là con người? Chúng tôi không muốn và cũng
không thể tự tạo ra được. Rồi ai đã ném chúng tôi ra môi trường, để chúng tôi
bị vùi chôn trong đất… gây ảnh hưởng đến các loại thực vật, hệ sinh thái, môi
trường và khí hậu? Ai đã “thả trôi” chúng tôi xuống các dòng sông, con nước để
chúng tôi thành “thức ăn” một cách bất đắc dĩ của các loài sinh vật dưới sông,
dưới biển? Ai đã biến chúng tôi trở thành “kẻ thủ ác” cho các hiện tượng cá
chết hàng loạt, dòng sông, bờ biển xanh tươi thành sông chết, biển chết?
Cống hiến, chúng tôi đã cống hiến; phục vụ,
chúng tôi cũng đã phục vụ? Chúng tôi cảm ơn vì được sinh ra, được làm việc và
được tận dụng hết giá trị. Nhưng khi con người không còn cần đến chúng tôi nữa
xin “HÃY CHO CHÚNG TÔI Ở ĐÚNG CHỖ”. Vị
trí của chúng tôi không phải ở vỉa hè hay lề đường, vị trí của chúng tôi không
phải dưới gốc cây, ngoài công viên hay vùi sâu dưới lòng đất. Vị trí của chúng
tôi cũng không phải ở sân bóng, sân vận động, rạp chiếu phim hay chợ trời. Và
vị trí của chúng tôi cũng chưa bao giờ ở dưới các sông, trong kênh rạch, hay
ngoài biển cả bao la. Nơi chứa chúng tôi tạm thời là các thùng rác được bố trí
sẵn, an toàn, kín đáo và không bị vương vãi ra ngoài. Sau đó, chúng tôi phải
được tập kết tại những bãi rác tập trung, rồi được phân loại, tái chế và thiêu
hủy một cách an toàn, không ảnh hưởng đến bất kỳ ai: Con người, động vật hay
môi trường…
Chúng tôi đã phục vụ bằng tất cả những gì chúng tôi có từ
khi được sinh ra, khi còn đẹp đẽ. Vậy xin hãy để chúng tôi ở ĐÚNG VỊ TRÍ
thuộc về mình nếu con người không còn dùng tới. Chúng tôi thà bị thiêu hủy vĩnh
viễn cũng không muốn vô cớ trở thành “thủ phạm” gây bao hiểm họa, người người
xa lánh, chán ghét, không muốn nằm im đó “buồn le lói” suốt ngàn năm và nghe
người đời “trách mắng, lên án” hàng thế kỷ.
Ngày nay, nhờ những sáng kiến nhằm mục đích bảo vệ môi trường
sống, nhiều người dân ở các thành phố lớn cũng đã chọn các loại túi có thể thay
thế chúng tôi như túi giấy, túi sinh học phân huỷ hoàn toàn AnEco, thậm chí là
túi vải. Chúng tôi, những chiếc túi ni lông ngày nào mặc dù có thể sẽ không
được ưu ái chọn dùng, hoặc có thể sẽ không còn xuất hiện mới, song chúng tôi
vẫn không ngừng hy vọng và tin vào hai chữ TÁI SINH.
==========
Kính thưa quý vị và các bạn. Vừa rồi là đôi lời tâm sự của
chiếc bọc ni lông nhỏ. Không thể phủ nhận bọc ni lông có một lợi ích nhất định
trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Nhưng đi kèm với lợi ích,
bọc ni lông cũng là “nguồn cơn” cho các vấn đề môi trường, sức khỏe con người,
sự vận hành và phát triển của tự nhiên, cũng như các loài sinh vật. Nếu chúng
ta trút hết toàn bộ trách nhiệm lên chiếc bọc ni lông bé nhỏ thì có phải hơi
định kiến, chủ quan và khuôn hẹp chăng? Bản thân chiếc bọc ni lông không thể tự
gây ra bao tai họa. Chính sự thiếu ý thức của nhiều người khi vứt bỏ những
chiếc bọc ni lông đã qua sử dụng một cách bừa bãi mới là nguyên nhân quan trọng
gây ra bao hệ lụy.
Thông qua mẫu chuyện ngắn vừa rồi, ban biên tập Blog Xanh hy
vọng có thể phần nào cùng Quý vị và các bạn nhìn nhận lại vấn nạn rác thải, cụ
thể ở đây là rác từ những chiếc bọc ni lông. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau
góp những hành động thiết thực hơn để hạn chế lượng bọc ni lông thải ra môi
trường. Những việc làm đơn giản nhưng hiệu quả như: Tập dần thói quen sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường để thay
thế cho bọc ni lông; nếu bắt buộc phải dùng bọc ni lông thì sau khi dùng
1 lần có thể giặt sạch và tái sử dụng; để bọc ni lông đã qua sử dụng đúng nơi
quy định… Tin chắc rằng, mỗi người một hành đồng nhỏ sẽ từng ngày góp phần giảm
thiểu và cải thiện thực trạng rác thải, đồng thời bảo vệ môi trường và chính
cuộc sống bền vững của bản thân, gia đình và con cháu tương lai.
Kỳ tiếp theo, đội ngũ sản xuất Blog Xanh kính mời quý vị và
các bạn thưởng thức câu chuyện: “CHÚ TÊ GIÁC THÔNG MINH”. Có lẽ chúng ta không
còn xa lạ với những cảnh báo về vấn nạn săn bắt tê giác, phục vụ cho lòng tham
và sự ích kỷ của người nào đó. Chú tê giác bé nhỏ trong câu chuyện kỳ tiếp theo
sẽ thoát khỏi tay của những kẻ độc ác bằng cách nào? Điều thú vị gì sẽ được kể
trong câu chuyện kỳ sau? Kính mời quý vị và các bạn đón chờ nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại!