Back to Top

NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG NGÀY TẾT Ở CÁC NƯỚC PHƯƠNG ĐÔNG

Nét độc đáo trong ngày Tết ở các nước phương Đông

Thứ Hai, ngày 12/2/2018 - 09:02

(PLO)- Tối 11-2 (nhằm 26 tháng Chạp), hơn 600 cán bộ nhân viên của Tập đoàn Đầu tư và xây dựng Phúc Khang đã có buổi giao lưu văn hóa về chủ đề “Tết phương Đông”...

Phần diễn giả do diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ trình bày khá thú vị.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang trình bày về ngày Tết ở các nước phương Đông

Theo diễn giả, vốn là 4 quốc gia có nền văn hóa nông nghiệp lâu đời nên trong văn hóa Tết của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam đều có những nét giống và khác nhau. Cụ thể, cả 4 quốc gia này đều lấy "kinh dịch" để tính tuổi theo năm Thiên Can - Địa Chi tượng trưng cho ý nghĩa Thiên - Địa - Nhân – Hòa. Vì vậy, có tục mừng tuổi, mừng thọ đầu năm. Tết ở các nước đều là dịp để nghĩ về nguồn cội, cúng kính ông bà, tạ ơn đấng sinh thành và chúc tụng người thân, bạn bè, hàng xóm…

Tuy nhiên, nhằm để thể hiện những điều cầu vọng, ước mơ trong năm mới, cư dân 4 quốc gia trên đã sinh ra những tập tục như làm món ăn ngày Tết, món cúng tổ tiên, trang phục ngày Tết, cách cúng kính và trang trí nhà cửa rất độc đáo.

Ngày Tết ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc

Hàn Quốc không trang trí nhiều cho ngày Tết như các quốc gia khác nhưng mâm cơm ngày cúng ông bà có hơn 20 món, trong đó có Tteokguk (một loại bánh canh gạo), Japchae (miến Triều Tiên), San Jeok (thịt heo và rau củ nướng xiên) triết lý ngũ hành tương sinh. Cách rót rượu gạo để cúng cũng chia theo lối rót bi hoặc hùng (rót lối bi là để cúng người quá cố bằng cách khi rót để miệng chai chạm vào miệng ly rượu; còn không để miệng chai chạm vào miệng ly là rót lối hùng để chúc tụng chia vui với nhau)

Tiết mục múa chúc Xuân Nhật Bản

Dù Nhật Bản đã chuyển sang Tết Dương lịch từ năm 1873, nhưng những giá trị văn hóa về ngày Tết vẫn không thay đổi. Họ dùng cành thông và cây trúc vạt thành mặt tròn hơi xéo hình bầu dục để tạo mặt cười gọi là Kadomatsu nhằm chúc vui và khỏe mạnh can trường như cây thông, cây tùng trong sương tuyết mùa đông lạnh giá. Dịp Tết, người ta còn mua Daruma - hình đầu vị phúc thần trong phái Thiền Nhật Bản giống như con lật đật để vẽ tặng vị thần đôi mắt và hứa với thần những quyết tâm hoàn thành các mục tiêu trong năm mới.

Nét độc đáo trong ngày Tết ở các nước phương Đông - ảnh 3

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói về văn hóa ngày Tết ở Nhật Bản

Món ăn ngày Tết ở Nhật không thể thiếu Osechi với đa dạng món ăn, nhiều nhất là hải sản, trong đó có con tôm to tượng trưng chúc thọ vì tiếng Nhật gọi là “Ebi” (hải lão) giống như câu chúc của người Hoa “Phúc như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”.

Trung Quốc thì có món chả giò giống thỏi vàng, miếng sủi cảo giống nén bạc và món gỏi cá sống Yusheng (Ngư sinh), trùng âm “dư sống” để tượng trưng cầu vọng cuộc sống dư giả… Trên bàn thờ tổ tiên của họ còn có sự hiện diện của hai chiếc Nìn Cú (bánh tổ Niên Cao), một lớn ở dưới, một nhỏ ở trên tượng trưng cho sự thăng tiến, năm nào cũng vươn cao. Người Hoa hay chưng nhiều quýt tượng trưng chữ Cát (nghĩa là điều tốt lành) và dán nhiều câu chúc màu đỏ trước cửa ra vào như Xuất Nhập Bình An, Ngũ Phúc Lâm Môn, Vạn Sự Như Ý…

Việt Nam: Mâm cơm ngày Tết của 3 miền

Nếu miền Bắc chuẩn bị ít nhất có 4 bát, 4 đĩa, gồm giò măng, miến, nấm mộc, canh bóng thả, chả quế, giò lụa, thịt gà, thịt lợn. Đặc biệt người miền Bắc làm bánh chưng theo triết lý âm dương.



Hai bạn Quốc Nhựt và Mỹ Tiên thể hiện ca khúc Xuân Làng Sen (Nhựt Quang sáng tác) trên nền hình ảnh khu đô thị làng Sen

Miền Trung thì có tré, chả, nem, hoặc thịt bò, thịt heo ngâm với nước mắm và đặc biệt là thịt luộc cuốn bánh tráng, thịt kho trứng, cá kho, gỏi vả bằng mít. Riêng món mít có ý nghĩa trong dịp Tết của người Miền Trung, vì nhựa từ lá, vỏ của cây mít lúc nào cũng tươm ra tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cốt cách sống minh bạch

Ban giám đốc Tập đoàn Phúc Khang tặng hoa cảm ơn diễn giả Hồ Nhựt Quang và CLB

Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam không thể thiếu canh khổ qua, thịt kho trứng, cá nướng, dưa kiệu. Ở miền Nam, ngoài mâm cơm bày trên bàn thờ cúng tổ tiên ngày Tết, còn có cành mai, vạn thọ, mâm ngũ quả với những trái cây chính là: mãng cầu, dưa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài". 

T. GIANG










PHÚC KHANG