SÀI GÒN ĐỐI DIỆN NGUY CƠ ĐÁNH MẤT "HỒN ĐÔ THỊ"
Di sản kiến trúc, di sản văn hóa, lịch sử ở thời đại nào, xã hội nào, quốc gia nào cũng có giá trị và sức hấp dẫn vô cùng to lớn. Thế nhưng, Sài Gòn – TP.HCM lại đang có nguy cơ mất dần những di sản kiến trúc mang “hồn đô thị”.
Ngôi biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần (Q.3) nhìn từ trên cao
Vấn đề bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại một lần nữa lại được Báo Thanh Niên nêu ra trong hội thảo cùng chủ đề được tổ chức sáng 10/6 tại TP.HCM. Giá trị của di sản là không thể phủ nhận nhưng dòng chảy đô thị hóa, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng luôn được đặt ra bức thiết, khiến cho các giá trị của di sản ngày càng mai một.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhấn mạnh: Di sản tạo ra sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Nhưng cũng chính sức hút ấy đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, một mặt tạo ra những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu để bảo tồn chính di sản văn hóa đó. Tuy nhiên, cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, dẫn tới những hệ lụy phải trả giá đắt.
“Việc khai thác thương mại quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản... đã làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị...”, ông ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu thực trạng.
Một hiện tượng đáng báo động khác tại TP.HCM chính là sự mất dần của các di sản kiến trúc, trong đó điểm hình là các biệt thự cổ. Mới đây nhất là hồi tháng 4 vừa qua, một số chuyên gia bảo tồn và kiến trúc sư tình cờ khảo sát hiện trạng biệt thự cổ ở TP.HCM phát hiện hiện trạng 2 căn biệt thự cổ tại địa chỉ 68 Phạm Ngọc Thạch và 45B Võ Thị Sáu (Q.3) đã bị tháo dỡ gần như hoàn toàn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM), toàn thành phố hiện có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Tình trạng chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ, hay tự cải tạo đã làm sụt giảm con số thống kê trên. Điều này đồng nghĩa với sự ra đi của không ít công trình kiến trúc cổ mang trong mình những giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật…
PGS.TS.KTS Trần Văn Khải, Giảng viên môn Bảo tồn di sản tại nhiều trường đại học, thừa nhận thực tế trên và cho rằng, bảo tồn di sản kiến trúc là việc làm rất khó khăn, nhất là những công trình này hầu hết đều nằm trên những vị trí vàng, vị trí kim cương, có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều khi xây dựng công trình thương mại mới.
PGS.TS.KTS Trần Văn Khải cho rằng phá hủy di sản chính là "tự vẫn về văn hóa"
“Muốn bảo tồn và phát triển di sản thì phải làm sao để người sở hữu di sản “sướng” hơn người không có di sản. Còn ngược lại, người dân sẽ tìm cách phá hủy di sản để có lợi ích lớn hơn”, KTS.Trần Văn Khải nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người dân sống trong các di sản đó. Hay nói nói một cách khác, lợi ích cốt lõi của các cá nhân, tổ chức sở hữu di sản, đó là quyền phát triển khu đất có di sản cảnh quan kiến trúc.
Chính vì vậy, theo KTS.Trần Văn Khải, Nhà nước có thể áp dụng các chính sách về quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách thuế... để bảo tồn di sản. Trong đó, có thể cần áp dụng cơ chế chuyển đổi quyền sử dụng đất cho chủ sở hữu di sản sang một khu đất khác có giá trị tương đương để giữ lại di sản, biến chúng thành các di tích, địa điểm bảo tồn, tham quan...
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, người có rất nhiều tâm huyết cho công trình xanh và giữ gìn các giá trị văn hóa, cho rằng: Di sản kiến trúc chính là một phần hơi thở của Sài Gòn – TP.HCM nhưng làm thế nào để "tích hợp" những giá trị đó vào xu hướng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang là một thách thức rất lớn.
Chủ đầu tư Phúc Khang có tham vọng biến các dự án bất động sản thành... di sản
Theo bà Mẫu, người Pháp đến Sài Gòn và để lại rất nhiều công trình có giá trị kiến trúc nhưng nằm chủ yếu ở lõi trung tâm của thành phố và Phúc Khang muốn mang những giá trị kiến trúc đó sang khu Đông Sài Gòn bằng công trình Rome by Diamond Lotus tại Q.2.
“Ở đây không phải là sự sao chép mà chúng tôi muốn mạnh dạn phát huy giá trị kiến trúc của Sài Gòn, của nhân loại để tạo ra một công trình có giá trị thiên nhiên xanh và giá trị di sản văn hóa, kiến trúc, từ đó góp phần “kích hoạt” một thành phố du lịch quốc tế, hội nhập có cả bản sắc văn hóa sông nước địa phương và có cả các giá trị văn hóa nhân loại thu hút du khách”, bà Mẫu nhấn mạnh và gửi gắm thông điệp: "Chủ đầu tư Phúc Khang muốn biến những dự án bất động sản thành các di sản".